Chị Lắm và vựa cá Năm Mọi

Bốn mươi năm đeo đuổi nghề “hàng tôm, hàng cá” đã giúp chị Lê Thị Lắm (chủ vựa cá Năm Mọi) có cơ ngơi vững vàng và là bạn hàng lớn của chợ đầu mối thủy hải sản Bình Điền, TP.HCM.

Bốn mươi năm đeo đuổi nghề “hàng tôm, hàng cá” đã giúp chị Lê Thị Lắm (chủ vựa cá Năm Mọi) có cơ ngơi vững vàng và là bạn hàng lớn của chợ đầu mối thủy hải sản Bình Điền, TP.HCM. Nói về chị cũng như những đồng nghiệp của chị trong chợ, những nhà quản lý chợ dùng khái niệm “thương nhân”, “đối tác”, giúp chúng tôi hiểu hơn những thương lái giờ đã có vị trí nhất định trong xã hội.

Hẹn gặp lúc 10 giờ đêm, nhưng tôi không tiếp chuyện được với chị Lắm tại chợ vì lượng cá về quá nhiều. Hàng chục tấn cá biển, cá đồng của miền Trung, miền Tây theo ghe, theo xe đông lạnh ồ ạt đổ xuống khiến vựa cá Năm Mọi (thuộc khu nhà lồng F) đầy ắp. Cả năm thành viên trong gia đình và những người phụ việc luôn tất bật phân phối cá cho kịp những chuyến xe tỏa về các tỉnh, các chợ để có chỗ cho những chuyến hàng kế tiếp.

Chị Lê Thị Lắm và bạn hàng - Ảnh Quý Hòa
Chị Lê Thị Lắm và bạn hàng – Ảnh Quý Hòa

Cá về nhiều nhưng trông chị không vui vì chị biết đó là khoảng lặng “chết người” của những ngày cận bão. Cơn bão số 1 (Côn Sơn) thay đổi hướng đi, theo dự báo (thực tế đã diễn ra) chệch xuống hướng nam khi vào bờ, đã làm chị lo lắng mấy ngày nay.

Dù không phải đầu tư nhiều vốn liếng như với các đối tác ở miền Tây Nam bộ, nhưng chính vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi mới có cá ngon để bán giá cao hơn và khách hàng cũng vừa ý hơn. Sống với nghề lái cá đã 40 năm, chị rất hiểu những hiểm nguy và khó khăn của nghề đi biển để có miếng cơm, manh áo, cũng như chị ngày xưa, khởi nghiệp bằng sạp cá nhỏ chợ Cầu Ông Lãnh (Q.1, TP.HCM).

Ra nghề

Khi theo mẹ ra nghề, chị Lắm mới 15 tuổi, học xong lớp 7, chỉ đủ giúp mẹ tính toán sổ sách nên chưa hình dung được về tương lai của mình. Đến sau ngày giải phóng, để phát triển ngành thương mại quốc doanh và hợp tác xã, những sạp cá lẻ của tư nhân bị cấm bán. Sạp cá của gia đình chị cũng như nhiều bạn hàng phải dạt nhiều nơi, có lúc ra chợ Xóm Củi (Q.8), có khi về chợ Cây Mai (Q.11).

Lay lất như vậy đến năm 1980 thì Công ty Thực phẩm 3 (thuộc Sở Thương nghiệp TP.HCM) được thành lập để quản lý ngành hàng thực phẩm tươi sống. Công ty có sáng kiến xây dựng chợ bán buôn trong thành phố để khai thác thêm nguồn hàng, trong đó có chợ cá Cầu Ông Lãnh, tập hợp được khoảng 20 chị em kiên trì với nghề lâu nay.

Được chính thức trở lại với nghề thì niềm vui đi cùng với nỗi lo lắng. Chị Lắm nhớ lại thời kỳ khó khăn đó: “Mấy năm buôn bán theo kiểu chạy rong nên tôi không để dành được bao nhiêu, nhưng cứ tiếp tục với sạp cá lẻ thì biết khi nào đổi đời. Mấy chị em chia nhau đi về các tỉnh tìm kiếm thương lái nhờ họ gom hàng, ai có tiền thì đầu tư cho các chủ ghe để có nguồn cá ổn định.

Tôi cũng muốn làm dài hơi nhưng vì nghèo nên chỉ dám mua đứt bán đoạn, vì vậy, có chuyến được, chuyến thua theo con nước, theo mùa vụ. Những ngày đó tôi cực lắm, lúc xuống Kiên Giang tìm nguồn cá biển, lúc về Hồng Ngự mua cá nước ngọt, để khi không có hàng này thì có hàng khác, bạn hàng không bỏ mình đi”.

Chị cũng ra cảng 2 (bến Lê Quang Liêm, Q.8) mua các loại khô cá tra, cá sặc… về rửa lại, phơi phóng để bán được giá hơn. Chị cũng không nề hà chuyện thu gom cá vụn bán cho hãng nước mắm, cho cơ sở làm thức ăn gia súc. Cứ thấy cái gì mua được, bán được là chị làm, bất kể ngày hay đêm.

Trong những ngày gian khó đó, chị không phải bươn chải một mình mà được sự chia sẻ của chồng là anh Lâm Văn Uối. Anh chị là là người cùng nghề nên gặp nhau. Cứ người ở Sài Gòn thì người kia về tỉnh để nguồn hàng không bị đứt đoạn.

Khá lên một chút thì anh chị bớt đi xa mà chờ thương lái gom hàng đưa đến. Nhưng do diện tích chợ Cầu Ông Lãnh nhỏ quá, chị không phát triển được mối làm ăn, cho đến khi chuyển qua chợ tạm Chánh Hưng vào năm 2004 và hai năm sau đó có vị trí ổn định ở chợ Bình Điền, bến bãi thông thoáng thì vựa cá Năm Mọi mới có thương hiệu tiếng tăm.

Không ham lời nhiều

Chị Lê Thị Lắm
Chị Lê Thị Lắm

Đó là phương châm kinh doanh mà chị Lê Thị Lắm đúc kết sau những năm lăn lộn trong nghề. Là chủ vựa lớn, nếu muốn, chị có nhiều cách để ép giá bạn hàng. Ví dụ, chị đã cho giá mua cá khi tàu chưa vào bờ, sau đó có thể hạ giá khi hàng đã lên đến chợ với lý do “đụng hàng”, ngược lại, khi bán cũng có thể nâng giá cao hơn khi hiếm hàng.

Nhưng từ khi còn là thương lái nhỏ, chị đã tâm niệm, nói phải giữ lời, xem uy tín cao hơn lợi nhuận thì mới làm ăn lâu dài được. Không ít lần chị mất sạch cả tiền lẫn hàng, thậm chí, có lúc mất đến vài trăm triệu đồng đầu tư cho những đầu mối thu mua lớn, nhưng không vì thế mà chị nghĩ xấu về họ. Chị giải thích: “Không phải người ta muốn lừa mình, ở trong nghề lâu năm nên tôi biết, bà con ngư dân rất thật thà, chỉ một lần gặp bão là tài sản mất hết, rồi nợ nần dắt dây. Ngư dân nợ thương lái, lái nhỏ nợ lại lái lớn”.

Cũng nhờ lâu năm trong nghề, chị đã chứng kiến nhiều chuyện bể dâu. Sống với nghề này mà thiếu nghĩa tình, đặc biệt là không biết giữ chữ tín thì có người phải bỏ xứ mà đi vì sạt nghiệp. Đó cũng là bài học mà chị luôn nhắc nhở các con mình khi theo nghề. Có đạo đức, với chị ngoài chuyện không mua gian bán lận, cân thiếu hàng, còn là làm sao kịp đưa con cá còn tươi đến người tiêu dùng, tuyệt đối không nhận con cá đã qua tẩm ướp để đánh lừa người mua.

Đọc trên báo thấy nhiều công nhân của các nhà máy bị ngộ độc do ăn phải cá bị ướp hóa chất cho có vẻ tươi là chị xót xa, vì biết rằng với suất cơm đặt giá quá rẻ thì trước sau gì các nhà máy đó cũng gặp chuyện ấy.

Chị đã thuyết phục được hai vợ chồng con trai và cô con gái theo nghề lái cá sau khi đã học xong. Nhờ vậy mà vợ chồng chị đỡ vất vả hơn so với trước đây. Giờ thì chị chỉ lo việc chốt giá kịp thời, phù hợp với diễn biến của thị trường, cô con dâu lo giám sát phân chủng loại và chất lượng con cá, con trai và con gái phụ trách chuyện cân và thu tiền, còn chồng chị chỉ chuyên thu tiền của bạn hàng nợ gối đầu.

Mỗi người mỗi việc nên khi cá về nhiều, khoảng chục tấn một đêm chẳng hạn, thì gia đình chị có mặt từ chập tối đến 7 hoặc 8 giờ sáng hôm sau. Cách đây ba năm, cũng lượng cá tương tự thì phải đến 12 giờ trưa chị mới xong việc và mỗi khâu cần đến ba người giúp. Chị Lắm khoe: “Nhờ con trai và con dâu học qua đại học ngành kinh tế nên quản lý kinh doanh bài bản, lại dùng vi tính tính toán nên nhanh và chính xác. Tụi nó cũng đăng ký thêm mặt bằng kinh doanh nên doanh số và quy mô làm ăn của chúng tôi đã tăng gấp đôi”.

Công việc làm ăn đã phát triển thêm, nhưng chị Lắm vẫn không có ý định mở rộng nghề mà chuyên tâm truyền nghề cho các con qua từng thương vụ, từng mối làm ăn. Chị hướng dẫn từ lời ăn tiếng nói, cách đối nhân xử thế với bạn hàng cho tới việc bảo quản con cá, phòng tránh chuyện mua hàng không chuẩn, chất lượng kém. Theo chị, ba năm chưa đủ để các con mình hiểu hết những ngóc ngách trong nghề, nhưng chị biết thế hệ kế tiếp trong gia đình đã có ý định vươn xa hơn và tìm vị trí mới trong thế giới hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.

Nguồn: https://doanhnhansaigon.vn/thoi-su-trong-nuoc/chi-lam-va-vua-ca-nam-moi-1015099.html

0707 40 40 40